Độ mươi năm nay, người ta bàn đến Trà Đạo Nhật Bản với sự ngưỡng mộ đặc biệt và tâm đắc về giá trị tinh thần của đạo qua bốn chữ Hòa - Kính - Thanh - Tịch. Tuy nhiên để đạt được tới nghệ thuật thưởng thức trà với tinh thần Thiền của Phật giáo thì đòi hỏi một quy trình khắt khe từ phòng uống trà, dụng cụ pha trà, cách rót mời, cách uống cùng với những nguyên tắc ứng xử và giao lưu khi thưởng thức trà.
Với tư tưởng Thiền ấy, người Nhật đạt tới một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình. Trà đạo đúng với ý nghĩa đích thực đó, để làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, để tu tâm dưỡng tính, để giác ngộ…
Thực ra, trà đạo trong văn hóa Nhật Bản bắt nguồn từ việc uống bột trà xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào những năm cuối thế kỷ 10. Vậy nên, nghệ thuật uống trà của người Trung Hoa hay Hàn Quốc cũng tinh tế trong thưởng thức và sâu sắc về tinh thần. Cuốn sách "Kinh trà" của Lữ Dượng, thời Đại Đường, viết chi tiết từ việc trồng trà, hái trà, sao tẩm… đến nghệ thuật thưởng thức. Tuy nhiên riêng về sự tỉ mỉ trong cung cách tổ chức một cuộc tiệc trà thì Trà Đạo Nhật Bản đã vượt lên tới mức thiền mà những bàn trà thông thường ở Trung Quốc và Hàn Quốc chưa có được. Chỉ nói riêng yêu cầu về không gian của phòng uống trà thôi tưởng như không dính dáng gì đến trà đã thấy người Nhật có đòi hỏi rất cầu kỳ. Ngôi nhà uống trà phải làm bằng những nguyên liệu mong manh tạo cho ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng trong mọi sự, phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cỏ… tạo nên cảm giác không có vẻ gì là chắc chắn hay cân đối, bởi đối với thiền sự cân đối là chết. Và, ngay ở một góc phòng trà còn được treo tranh hoặc thư pháp, đôi khi chỉ có một chữ "Vô" để nhấn mạnh về cái không gian rỗng nhưng lại chan chứa sự hồn nhiên.
Để tạo dựng được một đạo trà thực ra phải xuất phát từ một nguồn gốc tư tưởng sâu sắc của giáo phái chính thống trong một đất nước và dược hoàn thiện trong một thời gian dài và trở thành "đạo". Có Việt trà đạo hay không? Đây là một câu hỏi rất dễ trả lời là không, mặc dù việc uống trà của ông cha ta nâng tới mức tinh tế trong thưởng thức đã hình thành từ lâu đời, nhưng vẫn chưa đạt tới một nghi lễ (trà lễ) có tính nghệ thuật cho một tiệc trà.
Văn hóa trà Việt đã bị ảnh hưởng từ trà đạo Trung Quốc nhưng vẫn có nét riêng của mình và dần dần đã hình thành những nguyên tắc thưởng thức. Đồng thời ở các vùng cao của nước ta đã có vô số đồi chè hoặc rừng chè cổ từ lâu tạo được các hương vị độc đáo. Từ đó, người Việt cũng có cách uống trà phù hợp với tâm lý và bản sắc văn hóa tinh tế của mình. Những đúc kết của cha ông ta như Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh đã phần nào nói được tính cách trà Việt.
Các cụ nhà ta lại quan tâm đầu tiên là nước rồi mới đến trà. Đó cũng là một kiểu cách thưởng thức đã được trải nghiệm. Phát huy hết vị ngon của trà phải là nước mưa hay từ các nguồn nước thiên nhiên, mạch giếng sạch. Khi đun sôi nước ở các mức độ khác nhau để thích ứng với từng loại chè, chứ không phải dùng cái thứ nước sôi ùng ục đến 1000C thông thường. Vậy là đã khó. Tỉ dụ trà móc câu, chỉ nên dùng nước sôi sủi tăm (chừng 800C), hoặc trà hương tẩm hoa sen, hoa nhài, hoa cúc, thì phải dùng nước ở độ sôi đầu nhang(khoảng 900C), chứ nếu dùng nước sôi 1000C bị cháy (chín nồng) chè như chơi. Thế là tinh tường chứ đâu có dễ dàng. ấy là chưa nói đến cách dùng Bôi (chén), Bình (ấm) với các bộ như "độc ẩm", "tứ ẩm" hay "quần ẩm"… bình chuyên tùy vào khách đối ẩm.Còn nhớ chuyện thời Nguyễn, vua Tự Đức còn có những thú uống trà cầu kỳ mang dấu hiệu hòa nhập với thiên nhiên một cách đặc sắc bằng cách đã bắt các cung nữ bơi thuyền ra hồ sen vào buổi chiều để ương trà vào mỗi đóa sen cho ủ hương qua đêm rồi sáng hôm sau mới lấy về để pha uống.
Thực ra, uống trà đã ướp hương các loại hoa như ngày nay chỉ là tạo nên sự lý thú trong thưởng thức nhưng lại làm mất đi cái vị riêng của trà, đồng thời chính lại làm tổn thương đến cái hương nguyên bản của búp chè tỏa trong hơi nước. Hương thơm tinh khiết vô thường của chè là ở đây, cái vị đắng ngọt ở trong miệng mới tạo được độ say của tâm hồn. Do đó các thợ chè đã phải định chất ủ búp chè theo thời gian để nhận biết ở đầu lưỡi. Như Trà nhất (hái vào tháng 5) Trà nhị (hái vào tháng 6), Trà tam (hái vào tháng 7). Chúng được phân loại để người uống chọn lựa với chất lượng cao nhất. Để uống tinh, các cụ thường chọn Trà nhất và tịnh không pha một chút hương hoa. Riêng loại trà San tuyết ở các vùng cao như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Bảo Lộc… nếu uống thực ngon phải dùng nước khe nguồn trên núi để lắng một tiếng sau mới gạn nước đun ở mức sủi tăm. Bởi chè San Tuyết chỉ ngon ở vị chứ ít hương. Hiện nay ở thị trường người ta hay dùng Trà loại ba ướp hương hoa để làm giảm đi cảm giác chát. Lấy hương cứu vị là thế… Nếu ai uống tinh thường bao giờ cũng né tránh trà hương. Ngoại trừ thói quen hoặc uống trà hương để chữa bệnh nào đó.
Gần đây, để tạo dựng một phong cách trà Việt, một số cửa hàng chuyên trà, theo nghĩa chuyên sâu trà Việt, chứ không phải là các quán trà Đài Loan, Trà Tầu… đã hình thành với cái tên nghe rất kêu như Việt Nam danh trà (Bảo Lộc - Lâm Đồng); Lư Trà Quán (Tân Cương, Thái Nguyên); Trường xuân trà đạo, Việt Trà đạo (Hà Nội)…
Để kinh doanh với cái gọi là Trà đạo không đơn giản chỉ là phòng ốc và sự trang trí cầu kỳ hoặc tạo dáng cho có vẻ thanh nhã mà phải với tới được 4 chữ Hòa, Kính, Thanh, Tịch trong hệ thống nghệ thuật nghi lễ tiệc trà. Để đạt được chữ Hòa thôi đã đòi hỏi người chủ trà phải có một không gian tạo độ vô thường ở mức nào đó để hòa nhập với thiên nhiên. ấy còn cái Thanh cái Tịch nữa chữ. Đặc biệt cái Kính thì thật khó để các cô chân dài pha trà rót trà dù có cười tươi và làm duyên đến mấy. ở những nơi này, dù không dùng trà bột như người Nhật thì cũng vẫn đòi hỏi cách uống đầy "Kính" tức là lễ nghi tôn kính với người được mời dự tiệc trà.
Hiện, ở thành phố Hồ Chí Minh có CLB Trà đạo Sài Gòn do chi hội Hữu nghị Việt Nhật thành lập hồi tháng 4-2007, đã có những sinh hoạt đúng với nghi thức pha trà, hoặc tổ chức lễ hội Trà đạo Nhật Bản. Nhưng đây vẫn chỉ là sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần và mang tính biểu diễn về hình thức nghi lễ của vài chục hội viên chứ chưa tạo được một sinh hoạt mang tính đời thường và sâu sắc trong tư tưởng Trà đạo Nhật Bản là Thiền và tạo nên tính cách sống sâu sắc và tích cực cho một bản ngã.
Từ đó, nên chăng để tạo được một quan niệm Trà đạo Việt ra sao, có lẽ trước hết cần dựng dược những cấu trúc về tư tưởng trong văn hóa trà Việt, vì nó có căn cứ là một trong các "mô hình học" có tính riêng biệt góp phần cho con người rèn luyện kỹ năng và tính cách cũng như các bộ môn khác mà học sinh phổ thông đã được học như hội họa, âm nhạc, nghệ thuật cắm hoa, nội trợ… Vậy đó, việc học trà đạo, ngoài việc thư giãn tinh thần, còn mang tính giáo dục cao. Mà từ Trà đạo Nhật Bản đã hình thành hơn 500 năm qua, ta vận dụng sáng tạo đã xây dựng một Việt trà đạo mang tính thời đại, quả còn là một thử thách dài lâu.